Cách chữa bệnh cho hươu sao
Hươu sao ăn tạp, sức đề kháng cao, ít bệnh tật. Nhưng trong quá trình chăn nuôi có thể gặp tình huống không hỏi ai được, trại chăn nuôi hươu Trịnh Thiện: Phổ biến 10 bệnh của hươu sao khi cần áp dụng chữa là thành công. các loại bệnh khác và các mẹo chữa bệnh khác, có nhu cầu bà con liên hệ với
Chủ trại chăn nuôi hươu sao Trịnh Thiện.
ĐT 0986 818 305
Cách chữa bệnh cho hươu sao
10 bệnh phổ biến của hươu sao và cách điều trị
Hươu sao mắc bệnh chủ yếu là do chế độ chăm sóc, quản lý chưa tốt, vệ sinh phòng bệnh kém. Nếu bảo đảm cho hươu ăn uống đầy đủ, thức ăn đủ chất lượng, nước uống sạch sẽ, chuồng trại khô ráo, thoáng khí… thì đàn hươu sẽ khoẻ mạnh, phát triển tốt, hạn chế được sự phát sinh bệnh tật, đem lại những kết quả mong muốn.
1. Bệnh chướng bụng đầy hơi
* Nguyên nhân:
– Do hươu ăn phải thức ăn kém phẩm chất, như lá cỏ bị thối, mốc, hoặc lá cỏ tươi còn ướt nước hoặc đẫm sương.
– Cho hươu ăn quá nhiều thức ăn tinh
– Do hươu ăn nhanh quá hay no quá, nhất là ăn no xong lại vận động ngay.
– Do thay đổi thức ăn đột ngột, từ thức ăn tươi chuyển sang thức ăn khô, hoặc cho ăn no đói thất thường.
– Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là những khi trời có giông bão cũng là nguyên nhân làm cho bệnh dễ phát
* Triệu chứng:
Hươu bỏ ăn, không nhai lại, đi lại chậm chạp, lờ đờ. Nếu nặng thì đi loạng choạng, mắt đỏ ngầu. Nguyên nhân: do thức ăn trong dạ cỏ lên men nhanh, sinh ra nhiều hơi, làm bụng phình chướng lên về phía bên trái (phồng cao hơn cả mõm xương hông). Nếu lấy ngón tay gõ vào vùng bụng này ta sẽ nghe như tiếng trống. Trực tràng đầy phân. Dạ cỏ mất phản xạ co bóp, ngày càng chướng to ép lên cơ hoành, gây rối loạn tuần hoàn. Con vật thở rất khó khăn: 2 lỗ mũi nở to, mạch nhanh, cổ cứng đờ. Bệnh nặng hơn nữa thì hươu sùi bọt mép, ra mồ hôi đầm đìa, mạch yếu dần, rồi chết vì ngạt thở.
*Điều trị:
Phải rất nhanh giúp cho hươu tống hơi ở dạ cỏ ra ngoài. Các cách như sau:
– Làm cho vật ợ hơi: Lấy rơm hoặc bì gai chấm rượu gừng hay dầu hỏa chà xát lâu và mạnh vào hông bên trái. Dùng que quấn giẻ ngoáy mồm kích thích hươu ợ hơi ra ngoài.
– Cho uống 30 gam Na2SO4 hay nước sắc các lá như bạc hà, tía tô, lá khế dạ nát vắt lấy nước cho hươu uống. Cũng có thể dùng hạt cây thì là sắc cho hươu uống hoặc cho uống nước dưa chua…
– Lấy 5 gam bồ kết nướng vàng, tán nhỏ và thổi vào hậu môn và lỗ mũi làm cho hươu đại tiện và hắt hơi dễ dàng.
Nếu hươu bị quá nặng, loạng choạng và ngã, sùi bọt mép thì phải dùng dùi “Troca” để chọc thủng dạ cỏ. Chỗ chọc dùi là điểm giữa của một hình tam giác ở hông bên trái mà một cạnh là xương sườn cuối cùng, một cạnh là xương sống vùng thận.
Trường hợp không có dùi “Troca” thì dùng kim thông dạ cỏ hay dao díp cũng được.
Trong giai đoạn chữa bệnh cần cho hươu ăn những thức ăn dễ tiêu.
* Phòng bệnh:
Không cho hươu ăn những thức ăn kém phẩm chất, không cho ăn quá no và sau khi ăn cần tránh cho vận động quá mức. Không cho ăn lá, cỏ ướt nhiều. Thành phần và khối lượng thức ăn cần thay đổi dần dần tránh đột ngột.
*(Theo kinh nghiệm của trại nuôi hươu Trịnh Thiện: Ra hiệu thuốc tây mua thuốc MOFIRUM cho uống 5 viên lần ngày 3 lần. Kết hợp cho hươu nhịn ăn 1-1,5 ngày) khi thấy hang hươu óp, bụng không căng, gõ không bung bung là bệnh đã ổn)
2. Bệnh ỉa lỏng
*Nguyên nhân:
– Do thức ăn kém phẩm chất hoặc do hươu ăn nhiều thức ăn ướt có nhiều nước như củ khoai lang, dây lạc, thức ăn ủ xanh
– Cho hươu ăn quá nhiều thức ăn tinh
– Cũng có thể do đường tiêu hóa bị viêm hoặc giun sán quá nhiều. Thời tiết thay đổi đột ngột, ăn ở bẩn và chật cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh này.
* Triệu chứng
Hươu biếng ăn, hơi sốt, mũi khô, lông xơ xác. Thời gian đầu thường táo bón, sau ỉa lỏng nhiều lần, làm dính bẩn từ khấu đuôi đến khoeo chân. Phân có màu xanh vàng, sau xanh đen xám, mùi thối khắm, nhiều khi có lẫn những màng nhầy. Hươu bị bệnh gầy đi rất nhanh do mất nhiều nước, kiệt sức dần rồi chết.
* Điều trị
Để hươu nhịn ăn hẳn trong 1 – 2 ngày và cho uống nhiều nước sắc đặc những thứ lá chát như búp ổi, lá sim, hồng xiêm.
– Dùng thuốc tẩy để tống hết những thức ăn còn trong dạ dày. Cho uống 30 – 40 gam Na2SO4, sau đó dùng NaBica với liều lượng 3 – 5 gam/ ngày.
– Nếu ỉa lỏng là do viêm ruột thì dùng Ganidan hoặc Becberin cho uống 8 – 12 viên chia làm 2 lần hoặc dùng Cloroxit 6 – 8 viên/ ngày/ 2 lần.
– Nên cho ăn cháo gạo hay cháo cám có bỏ muối mấy ngày sau khi khỏi. Chuồng trại phải quét dọn sạch sẽ, tiêu độc cẩn thận.
* Phòng bệnh
Cần tránh những nguyên nhân gây bệnh như đã nêu trên. Khi cho ăn những thức ăn như dây, củ khoai lang, dây lạc … cần có một tỷ lệ thích hợp.
*(Theo kinh nghiệm của trại nuôi hươu Trịnh Thiện: Ra hiệu thuốc tây mua thuốc ercéfuryl 200mg cho uống 5 viên lần ngày 2 lần. Kết hợp cho hươu nhịn ăn 1-1,5 ngày. Hoặc thuốc TRIMESEPTOL 480 hươu to 4 viên hươu bé 2 viên/ lần ngày 2 lần)
3. Bệnh nghẹn dạ lá sách
* Nguyên nhân:
Có thể do hươu ăn phải thức ăn khó tiêu, thức ăn kém phẩm chất hay do thay đổi thức ăn đột ngột.
*Triệu chứng:
Không biểu hiện rõ rệt. Thường thấy rối loạn tiêu hóa, dạ cỏ hơi căng, ít nhai lại đi táo, hay đi lỏng, bệnh kéo dài , hươu gầy dần rồi kiệt sức mà chết.
Khi mổ ra thấy lá sách nghẹn cứng bằng quả cam.
* Chữa bệnh:
Nếu thấy bụng chướng hơi và đi táo thì tẩy nhẹ 30g Na2SO4 và 10 g Nabica. Nướng bồ kết cho vàng rồi tán nhỏ thổi vào mũi và hậu môn gây cho vật ợ hơi và trung tiện được dễ dàng.
Nếu thấy bụng chướng hơi và đi tả thì cho uống 30 g Na2SO4 và tiêm HCl 0,2 -0,3% lúc đầu 5 g mỗi lần sáng và chiều, sau vài ngày tăng lên 15 g.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày tăng lượng muối ăn lên 30 – 40 g.
Cho vật nhịn ăn 1 – 2 ngày. Khi thấy con vật bắt đầu nhai lại thì cho ăn ít một và nhiều lần trong ngày.
* Phòng bệnh
Chủ yếu là vệ sinh thức ăn: tránh quá khô và dính nhiều bùn đất.
4. Bệnh ghẻ
* Nguyên nhân:
Do nền chuồng bẩn thỉu, chật chội. Bệnh do con cái ghẻ (Sarcoptes Scabiei var. buffeli ) chui trong da làm thành nhiều đường ngóc ngách để đẻ trứng. Bệnh nặng nhất vào mùa đông, sau đó giảm dần. Đến mùa hè bệnh ngừng phát triển vì ôn độ cao, ẩm độ giảm thấp là những điều kiện bất lực cho con cái ghẻ.
Những hươu gầy yếu, kém chăm sóc thường dễ mắc.
* Triệu chứng
Do cái ghẻ chui rúc trong da, châm hút và tiết ra độc tố nên con vật luôn ngứa ngáy khó chịu. Hươu thường lấy chân gãi liên tục hoặc cọ xát vào róng chuồng. Trên da chỗ bị ghẻ thấy có nhiều mụn nhỏ lấm tấm màu đỏ. Ghẻ thường bắt đầu từ đầu cổ, đến mình và chân, thấy rõ nhất ở những chỗ lông ngắn và tha như bụng, háng, nách.
Do hươu cọ, gãi nhiều nên lông rụng từng đám, mụn vỡ, đóng vảy làm da dày lên. Con vật ngứa ngáy, biếng ăn, ngủ ít, gầy yếu dần và có thể chết.
* Chữa bệnh
1 Dùng thuốc Dung dịch tiên: PETA-MECTIN Trị nội ngoại ký sinh trùng. Liều lượng 1ml/30kg thể trọng. Cách tiêm: tiêm dưới da (Không tiêm bắp không tiêm tĩnh mạch)
Khi chữa bệnh phải áp dụng nguyên tắc: Liên tục, kiên trì và cách li triệt để.
Cắt hết lông ở những vùng bị ghẻ, rồi tắm cho hươu bằng nước sắc lá xoan hoặc lá đào, lá khế hay nước Crêzyl 15% 4 ngày một lần. Dùng bàn chải kỳ cọ cho bật vảy ở trên da sau đó lau khô rồi bôi một trong những loại thuốc sau đây:
Loại 1: Diêm sinh tán nhỏ 30g trộn với vôi tôi 200g và nước 1700 ml. Đun sôi quấy đều cho tới khi cạn còn 1000 ml. Để nguội cho vào chai nút kín dùng dần.
Loại 2: Diêm sinh 1 phần
Dầu luyn 10 phần
Diêm sinh tán nhỏ trộn lẫn với dầu luyn đun sôi nửa giờ, quấy đều (bài này áp dụng thấy có hiệu quả).
Khi bôi thuốc cần chú ý:
Xát thật mạnh vào da cho thuốc ngấm thật sâu. Nếu vật bị ghẻ nặng chỉ được bôi nửa thân và ngày hôm sau mới bôi nốt nửa thân còn lại. Không cho hươu dầm nước để tránh bị nhiễm độc. Cần rõ mõm hươu sau trong vòng 1 đến 1 giờ rưỡi.
Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc trị ghẻ bằng phương pháp tiêm của ngành thú y sản xuất.
* Phòng bệnh
Chú ý bồi dưỡng, chăm sóc những con gầy yếu. Chuồng trại thường xuyên quét dọn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Những ngày nắng nên cho hươu vận động ngoài trời trong 2 – 3 giờ.
Khi trong đàn đã có con mắc bệnh cần phải cách ly triệt để nó ra khỏi các con hươu khác. Lông rụng, rơm rác và thức ăn thừa không được làm vương vãi sang các ngăn ô khác. Những dụng cụ dùng cho hươu bị ghẻ và chuồng trại phải được tiêu độc thường xuyên bằng Crêzyl 5% hay nước vôi.
Cần kiểm tra da thường xuyên nhất là vào mùa đông để kịp thời điều trị.
5. Vết thương
* Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân làm cho hươu bị thương như: trượt ngã, sa hố, cọ móc phải đinh, rào gai, đánh húc nhau… Lưu ý: dù cho hươu chỉ xây xát qua loa ta cũng không nên coi thường vì đó là cửa ngõ cho vi trùng xâm nhập sinh mủ và loét thối. Đó là chưa kể đến các loại vi khuẩn có thể gây chết như vi khuẩn uốn ván làm hươu có thể bị chết rất nhanh hoặc ruồi nhặng đẻ trứng vào làm vết thương có dòi.
* Chữa vết thương:
Nếu là vết thương nông thì ta rửa sạch đất cát bằng nước muối hay nước thuốc tím 0, 1%. Thấm khô, bôi thuốc sát trùng như cồn i ốt, xanh mêtylen …
Nếu là vết thương sâu thì ta phải cắt sạch lông ở xung quanh, lấy ra những dị vật, cắt bỏ những mảnh da thịt nát, thối, sau đó rửa bằng nước muối hay Crêzyl 3%. Thấm khô, rắc bột thuốc kháng sinh như Sunfamít, Têtracilin rồi băng lại. Nếu vết thương khó băng thì dùng gạc với băng dính hoặc bôi thuốc mỡ sát trùng. Nếu vết thương có dòi ta có thể dùng những bài thuốc sau: Măng vòi 5 phần + muối ăn 1 phần + bò hóng 4 phần. Tất cả giã nhỏ đắp vào chỗ có dòi, ngày làm 2 lần, chữa 3 – 4 lần là khỏi.
6. Mụn loét.
* Nguyên nhân và triệu chứng:
Do chăm sóc, vệ sinh kém, chuồng trại chật chội, da lông bẩn hay do nhiều nguyên nhân khác.
Hươu thường bị mụn nhọt từ tháng 4 đến tháng 8. Mụn nhọt thường phát ở hai bên thân. Đầu tiên, nổi lên một vùng sưng to bằng quả trứng, sờ vào thấy cứng và nóng. Do nóng và đau nê huơu khó chịu, hay liếm vào chỗ đó làm lông rụng dần, để lộ một mảng da màu hồng to bằng miệng bát. Sau thời gian đó mụn mềm dần và trong chứa đầy mủ. Nếu để tự vỡ thì sau mấy ngày ở giữa nhọt hở ra một lỗ nhỏ. Mủ màu vàng, xanh chảy ra từ đó, con vật phát sốt, biếng ăn, ít hoạt động.
* Chữa bệnh
Khi nhọt còn cứng thì bôi những chất nóng như nước gừng, dầu cao, cồn để làm tan nhọt, thúc cho nhọt mau già hơn. Có thể dùng lá cây vòi voi giã nhỏ rồi đắp ở ngoài.
Không nên chờ cho nhọt tự vỡ, mà khi nhọt đã già thì nên chích. Cũng không nên chích non vì dễ gây thêm những nhọt phụ ở vùng bị viêm.
Cách chích: hơ nóng dao, chích vào phía dưới của nhọt để mủ chảy ra rồi nặn cho thật hết mủ, sau đó rửa sạch bằng nước ấm pha muối ròi rắc bột kháng sinh.
Những ngày sau vẫn tiếp tục rửa và rắc thuốc cho đến khi hết mủ và miệng nhọt khép dần lại.
7. Lở loét
* Nguyên nhân:
Do vệ sinh cơ thể cho hươu và chuồng trại kém, chế độ ăn uống không bảo đảm. Thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột là nguyên nhân làm bệnh dễ phát. Bệnh do vi trùng ăn sâu vào phần thịt, gây nên lở loét.
* Triệu chứng:
Hươu ngứa ngáy khó chịu, hay liếm nhiều, chỗ bị liếm lông rụng sau đó da cũng bị tróc ra từng mảng để lộ thịt màu đỏ, luôn có nước màu vàng đục rỉ ra, đôi khi có lẫn máu tươi. Bệnh thường phát ra ở mình, bụng và mặt trong của đùi. Con vật biếng ăn, ít hoạt động.
* Phòng chữa bệnh
Cắt rộng lông phần bị loét, bóc hết vẩy (nếu có) rồi rửa bằng nước sát trùng như thuốc tím 1% hay crêzyl 3%, cồn i-ốt, ôxy già. Sau đó bôi thuốc đỏ hay Xanh Mêtylen hoặc bằng nước tỏi. Để chỗ loét bớt chảy nước, nên rửa bằng nước iốt (7 – 8 g rượu iốt pha với 1 lít nước).
Dùng bài thuốc sau đây kết quả cũng rất tốt:
– Dùng thuốc Dung dịch tiên: PETA-MECTIN Trị nội ngoại ký sinh trùng. Liều lượng 1ml/30kg thể trọng. Cách tiêm: tiêm dưới da (Không tiêm bắp không tiêm tĩnh mạch)


– Lá xương sông một nắm giã nhỏ + vẩy tê tê sao vàng tán nhỏ 2 thìa. Hai thứ trộn đều đắp vài lần là khỏi.
Cần đẩy mạnh công tác vệ sinh chuồng trại, giữ cho da lông của vật luôn khô ráo, sạch sẽ, cho ăn những thức ăn dễ tiêu như cỏ tươi, dây khoai lang, cháo cám, cho uống nước luộc ngô, lá tre, rễ cỏ tranh.
8. Cảm nóng – say nắng
* Nguyên nhân
Hươu dễ bị mắc bệnh này vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 8 do ở ngoài nắng gắt quá lâu, thiếu nước uống hoặc chuồng chật chội.
* Triệu chứng
Hươu đột nhiên nom lờ đờ chậm chạp, thường hay nằm, không nhai lại, mạch nhanh, thở gấp, mắt đỏ ngầu, có khi mồ hôi toát ra đầm đìa. Không can thiệp kịp thời hươu có thể bị chết.
* Chữa bệnh
Đưa ngay con vật vào chỗ thoáng mát. Dấp nước lạnh lên đầu, dùng khăn khô lau sạch mồ hôi, chà xát vào mình hươu từ trước ra sau, từ trên xuống dưới trong 15 phút. Tiêm cafêin hoặc long não và nước sinh lý. Thụt nước lạnh vào trực tràng. Trường hợp nặng thì phải chích máu, nhẹ thì sau 15 – 30 phút hươu sẽ tỉnh.
* Phòng bệnh
Vào mùa hè không cho hươu ở ngoài trời nắng gắt quá lâu. Trong sân vườn nên có nhiều cây bóng mát, đặt nhiều chậu đựng nước có pha muối cho hươu uống.
9. Đau mắt
* Nguyên nhân
Do bụi bặm, vật lạ rơi vào mặt hoặc do hươu khi hoảng sợ, phá phách bị vật rắn va chọc vào mắt.
* Triệu chứng
Thông thường là viêm màng tiếp hợp. Mắt đỏ máu, mở không bình thường, mi mắt sưng, thường có rỉ vàng ở khóe mắt.
* Phòng chữa
Rửa mắt mỗi ngày/lần bằng nước đun sôi để ấm có pha muối. Sau đó rửa bằng argyrol hay sunfat kẽm 0,5%. Nếu trong mắt có dị vật, phải tìm cách lấy ra thật nhẹ nhàng bằng bông hoặc dùng nhiều nước để rửa trôi.
Chuồng trại giữ sạch sẽ, phun nước trước khi quét dọn để tránh bụi. Trong sân, chuồng không nên để những vật dễ nguy hiểm cho hươu (que, đinh..).
10. Bệnh ở móng
* Nguyên nhân:
Trong khẩu phần thức ăn thiếu Ca. Bệnh thường phát vào mùa rét, nền chuồng lầy lội, hươu thường xuyên phải ngâm chân trong nước bùn. Phần lớn hươu cái mắc bệnh này vào mùa sinh sản.
* Triệu chứng:
Con vật thường hay gặm chân, nhiều khi bỏ cả ăn để gặm chân. Mặt ngoài guốc bị bào mòn, có khi để hở phần thịt bên trong. Nếu bị nhẹ, con vật còn đi được, nếu bị nặng đi khập khiễng có thể không đi được.
* Phòng và chữa bệnh:
Không nên để chuồng lầy lội. Nên làm nhiều hòn đá liếm, đặt ở nhiều nơi để hươu có thể thu được đủ lượng khoáng cần thiết cho cơ thể. Xây những ô nhỏ (đáy láng xi măng) đổ nước lạnh có pha muối 1% cho hươu vào ngâm chân hàng ngày. Nếu chân đau nhiều thì có thể tiêm Novocain 2g. Bổ sung thức ăn giàu khoáng vi lượng hàng ngày cho hươu.
.
Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn cho hươu
Triệu trứng: Hươu bỏ ăn, gầy yếu, sù lông, đứng không vững, đi lảo đảo. Không chữa ngay hươu bệnh nặng sẽ tử vong.
Cách khắc phục: Tách hươu bệnh ra nơi thoáng, ráo, cung cấp đủ nước, thức ăn.
Tiêm kháng viêm giảm đau bằng 1 trong thuốc có hoạt chất như: KETOPEN 10% hoặc GENIXINE hoặc DEXALONE hoặc DICLOFENAC 2,5% tiêm bắp 1 ngày 1 lần trong 3 ngày liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản suất.
Dùng 1 trong các thuốc kháng sinh: PENICILLIN kết hợp với nhóm BETA-LACTAMIN như AMOXYCILLIN hoặc AMPICILLIN hoặc CEPHLOSPORIN hoặc OXYTETRACILLIN hoặc CEFTIOFUR hoặc CEFQUINQME đều cho kết quả tốt tiêm ngày 1 lần / 3 đến 5 ngày liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản suất
Cho uống chất điện giải GLUCO-C 5 ngày liền.
Dùng CATOSAL 10% tiêm bắp 1 lần/ ngày/ 5 ngày liền
Bổ sung VITAMIN ADE + VITAMIN BCOMPLEX khoáng chất PREMIX vào thức ăn cho ăn 1 tháng..
Vệ sinh khu vực chuồng trại bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường
Hươu sao ăn tạp, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, không có dịch, thức ăn không phải mua, dễ nuôi, dễ bán, lợi nhuận cao
Xem thêm:
7 Trả lời “Cách chữa bệnh cho hươu sao”